tránh mua sắm vô độ

Tôi là một người mẹ của ba đứa con. Với ba đứa con và nhiều trách nhiệm khác, tôi đã nhận ra rằng việc kiểm soát tài chính cá nhân là điều cực kỳ quan trọng. Hôm nay, tôi muốn chia sẻ với các bạn những thói quen đã giúp tôi tránh mua sắm vô độ và dần dần cải thiện tài chính của mình.

1. Ghi Lại Toàn Bộ Chi Tiết Thu Chi

Tôi rất may mắn khi có ý thức về thu chi từ khi còn rất sớm. Năm 2016, tôi và bạn trai (bây giờ là chồng tôi) đã có một file excel ghi lại các món thu chi hằng ngày. Tôi liệt kê tất cả các khoản chi vào file excel và phân loại thành các khoản như tiền nhà, tiền điện nước, tiền ăn uống, đi lại và những khoản chi phí khác như mua sắm quần áo, giải trí… Việc này giúp tôi có cái nhìn tổng quan về tình hình tài chính của mình và biết được mình đã chi tiêu bao nhiêu cho những thứ không cần thiết.

Và đúng là may mắn khi tôi có thể duy trì việc ghi chú của tôi cho đến hiện tại. Qua thời gian, vợ chồng tôi nắm rất rõ các khoản thu chi hàng tháng của mình (nhất là các khoản chi). Những khoản chi bất thường và không cần thiết nếu có sẽ được chúng tôi nhận ra ngay lập tức. Thói quen mua sắm được điều chỉnh dần dần qua ngày tháng như vậy. Từ đó, thói quen này đã giúp chúng tôi duy trì một thói quen chi tiêu khá hiệu quả.

Bạn có thể nghĩ rằng việc này quá chi tiết, không phải lúc nào chúng ta cũng rảnh để mở file excel ghi chi tiết từng mục như vậy khi công việc bận rộn, gấp gáp? Vâng, nếu chưa kịp ghi vào file excel thì vợ chồng tôi sẽ ghi chú nhanh ra điện thoại và gõ lại vào file khi có thời gian (như cuối ngày, cuối tuần). Việc ghi lại cũng không tốn nhiều thời gian mà lại có tác dụng rất lâu dài ít nhất là rất hiệu quả đối với tôi.

tránh mua sắm vô độ

2. Luôn có Danh Sách Các Thứ cần Mua Trong Điện Thoại Để Tránh Mua Sắm Vô Độ

Khi đến siêu thị, mặc dù là người khá kiên định nhưng tôi sẽ dễ bị lạc lối với vô số thứ hấp dẫn trên đường đi đến món đồ cần mua. Lúc trước, tôi thường có đầy một giỏ đồ mỗi lần đến quầy thu ngân để ra về. Nhưng điều này hiện tại đã không còn nữa kể từ khi tôi có danh sách các món cần mua trong điện thoại của mình.

Trước khi tới siêu thị, tôi luôn tạo một danh sách những thứ cần mua và chỉ mua đúng những thứ có trong danh sách. Hiện nay có các App ghi chú theo danh mục, rất thuận tiện để sử dụng khi bạn nhớ ra nhà cần mua thêm gì mà ghi liền vào App này.

Thói quen này ngoài giúp tôi tránh mua sắm vô độ khi đi siêu thị, nó còn giúp tôi hoàn thành việc mua sắm của mình trong thời gian ngắn nhất mà lại không bị quên mua thứ mình cần. Có lẽ sau khi có con, não của tôi gần giống với não cá vàng nên hay quên đầu quên đuôi. Việc ghi chú danh sách vào điện thoại thực sự rất hiệu quả.

3. Áp Dụng Quy Tắc 24 Giờ

Quy tắc 24 giờ là một trong những phương pháp hiệu quả khác giúp tôi tránh được việc mua sắm theo cảm hứng. Khi muốn mua một món đồ, tôi sẽ đợi ít nhất 24 giờ trước khi quyết định. Thường thì sau 24 giờ, tôi nhận ra rằng món đồ đó không thực sự cần thiết và từ bỏ ý định mua.

Ví dụ, có lần tôi muốn mua một chiếc túi xách mới sau khi thấy quảng cáo hấp dẫn trên mạng. Nhưng sau khi áp dụng quy tắc 24 giờ, tôi nhận ra mình đã có đủ túi xách và không cần thêm một chiếc nữa.

4. Hạn Chế Thời Gian Lướt Mạng Mua Sắm Online

Mua sắm online là một trong những nguyên nhân chính khiến tôi tiêu tiền không kiểm soát. Để kiểm soát việc này, tôi đã quyết định hạn chế thời gian truy cập vào các trang mua sắm online và chỉ mua những gì thực sự cần thiết.

Tôi đã từng có thói quen lướt Tiki và Lazada mỗi tối trước khi đi ngủ, và điều này khiến tôi dễ dàng bị cuốn vào các đợt khuyến mãi và mua những thứ không cần thiết. Bây giờ, tôi chỉ truy cập vào các trang này khi thực sự cần mua một món đồ cụ thể.

mua sắm online

5. Tìm Niềm Vui Từ Những Hoạt Động Khác

Bận rộn từ những hoạt động khác cũng là một cách hiệu quả để tránh mua sắm vô độ. Thay vì tìm niềm vui từ việc mua sắm, tôi đã học cách tìm niềm vui hoặc kiếm gì đó giúp tôi bận rộn từ những hoạt động khác như đọc sách, viết lách, nấu ăn, và dành thời gian với con cái (như ôn bài cho chúng chẳng hạn). Điều này không chỉ giúp tôi tiết kiệm tiền mà còn mang lại nhiều niềm vui và ý nghĩa hơn.

Ví dụ, thay vì dành cả buổi sáng để đi siêu thị, tôi dành thời gian đó để nấu một bữa ăn ngon cho gia đình. Điều này không chỉ giúp tôi tiết kiệm tiền mà còn giúp gắn kết tình cảm gia đình.

Hiện tại, thời gian đi siêu thị của tôi đã giảm hẳn (khoảng 1 lần 1 tuần với 1 lần đi ít hơn 30 phút – vì tôi chỉ ghé siêu thị nhỏ nhỏ gần nhà hoặc ghé chợ mua – hiếm khi la cà ở các trung tâm thương mại lớn như trước kia). Sở thích shopping của tôi đã dần biến mất.

6. Mua Sắm Bền Vững

Khi lựa chọn một món đồ về, tôi thường chú trọng vào khả năng sử dụng lâu dài của nó hơn là giá cả. Nếu như trước đây, tôi chỉ mua đồ giảm giá thì hiện tại tôi sẽ xem xét chức năng, thời gian sử dụng và tính hữu ích của món đồ đó hơn. Vì đơn giản, nếu một món đồ (dù giá có vẻ cao) bạn có thể sử dụng tốt trong khoảng thời gian 5 -10 năm sẽ tốt hơn nhiều cho một món đồ tương tự giá rất rẻ mà chỉ sử dụng được vài tháng.

Điều này cũng giúp tần suất loại bỏ các đồ đạc không dùng đến ra ngoài môi trường ít hơn. Tôi cũng đang thấy thời tiết ngày càng trở nên khắc nghiệt với con người, phải chăng là do chúng ta đã hủy hoại môi trường quá nhiều bởi rác thải các loại. Mặc dù rất nhỏ nhoi nhưng tôi vẫn ưu tiên xả ít rác thải ra môi trường nhất có thể.

7. Đặt Mục Tiêu Tài Chính Dài Hạn

Việc đặt mục tiêu tài chính dài hạn cũng là một cách hiệu quả giúp tôi kiểm soát việc chi tiêu. Tôi đặt ra những mục tiêu như tiết kiệm để đầu tư dài hạn, tiết kiệm cho quỹ học của con về sau… Những mục tiêu này giúp tôi luôn nhớ rằng việc tiết kiệm và kiểm soát chi tiêu hiện tại sẽ mang lại lợi ích lớn trong tương lai.

Ông bà ta thường tiết kiệm để cho con cái có điều kiện sống tốt nhất, có lẽ tôi cũng thuộc trường hợp này…

Kết Luận

Tránh mua sắm vô độ không phải là điều dễ dàng, nhưng với những thói quen và phương pháp tôi chia sẻ ở trên, tôi đã cải thiện được tình hình tài chính của mình một cách đáng kể. Hy vọng những kinh nghiệm này sẽ hữu ích với các bạn. Thêm vào đó, việc kiểm soát chi tiêu không chỉ giúp bạn tiết kiệm tiền mà còn mang lại nhiều giá trị và niềm vui khác trong cuộc sống.

Chúc các bạn thành công trong việc quản lý tài chính cá nhân!

Thân mến!

Xem thêm: 6 Việc Đơn Giản Không Tốn Tiền Nhưng Tốt Cho Tài Chính Của Bạn Trong Thời Buổi Suy Thoái