Ăn gì để vào con mà không vào mẹ

Mẹ bầu cần ăn gì để vào con mà không vào mẹ là câu hỏi mà các chị em hay hỏi khi mang thai. Nếu ăn quá nhiều thì cân nặng sẽ tăng mất kiểm soát khó về lại dáng sau khi sinh. Nếu ăn quá ít không đủ chất thì bé sẽ bị suy dinh dưỡng. Lý tưởng nhất là lựa chọn các thức ăn sao cho em bé trong bụng hấp thu được nhiều dưỡng chất mà mẹ không tăng cân nhiều.

Ăn gì để vào con mà không vào mẹ

Khi mang thai 3 đứa con mình cũng thắc mắc như vậy và tìm hiểu qua sách cũng như tham khảo ý kiến bác sĩ về chế độ ăn uống trong thai kỳ. Cuối cùng 3 đứa con nhà mình trộm vía đều sinh ra trắng trẻo, cân nặng từng đứa lần lượt là 4kg, 3.7 kg và 3.9 kg mà tổng cân nặng của mẹ trong thai kỳ chỉ tăng vào độ khoảng 11 đến 13kg.

Mình xin chia sẻ chế độ ăn của mình để các bạn tham khảo nếu cần nhé!

Chế độ ăn trong từng giai đoạn của thai kỳ để vào con mà không vào mẹ:

Do 3 giai đoạn thai kỳ (3 tam cá nguyệt) mẹ bầu sẽ trải qua các cảm giác rất khác nhau nên chế độ ăn cũng sẽ được điều chỉnh tương ứng.

1. Tam cá nguyệt thứ nhất (3 tháng đầu thai kỳ):

Ờ giai đoạn đầu thai kỳ,  khi nghi ngờ có thai và tự xét nghiệm bằng que thử thai và đi siêu âm kiểm tra là thai kỳ của mình đã vào khoảng tuần thứ 5, thứ 6 rồi. Ở giai đoạn đầu, mình có triệu chứng hay xót ruột nhẹ, hơn khó chịu mau đói và rồi triệu chứng nôn nao tăng dần đều (đến tuần 8 trở đi thì hầu như là ngày nào cũng nôn ói và cơ thể mệt mỏi).

Giai đoạn này, việc ăn uống hoàn toàn không như ý của mình mà mình chỉ cố gắng lựa chọn thức ăn dễ tiêu hóa hợp với cái bụng của mình mà thôi.

Trong 3 tháng đầu, mình ở trong trạng thái cầm cự: uống nước trà gừng, ăn thức ăn dễ tiêu hóa (thèm gì ăn đó như cháo, súp, canh các loại), và ăn thành nhiều lần (5-6 lần) trong ngày.

Đặc biệt ở giai đoạn này, sáng nào mình cũng ráng uống 1 ly sinh tố thập cẩm (đu đủ, xoài, saboche,…) để hy vọng có dưỡng chất cho con. Mình tăng cân nhẹ (1-2 kg) và đặc biệt là đứa đầu do nghén quá (ăn gì vào là ra hết luôn) nên thậm chí còn giảm cân.

Giai đoạn này đặc biệt cần bổ sung thuốc sắt cho bé, nên bạn phải uống hằng ngày. Ngoài ra, bác sĩ sẽ cho bạn viên uống đa vi chất khi thấy bạn có triệu chứng nghén nặng. Cố gắng giữ tinh thần lạc quan cho dù mệt bỏ xừ bạn nhé!

2. Tam cá nguyệt thứ 2 (3 tháng giữa thai kỳ):

Khi đã vượt qua tam cá nguyệt thứ nhất thì mình rất vui vì bầu cả 3 đứa đến 3 tháng giữa thai kỳ thì mình tươi tỉnh hơn hẳn. Các cơn ốm nghén chưa hết hẳn nhưng cũng bớt dần đi và thèm ăn trở lại.

Ở giai đoạn này, theo mình là giai đoạn khỏe nhất của thai kỳ vì bạn sẽ “phục hồi” qua việc ăn uống ngon hơn, ăn được nhiều hơn, cơ thể chưa quá nặng nề nên bạn sẽ phơi phới như mùa xuân đang về.

Thời gian này mình sẽ tranh thủ nạp thêm nhiều năng lượng cho bé trong bụng hơn để bù đắp cho giai đoạn trước. Mình nghe bác sĩ nói rằng đây là giai đoạn phát triển khung xương và chiều cao của trẻ, do đó mẹ bầu nên bổ sung các loại thực phẩm giàu canxi và kẽm như tôm, cua, thủy hải sản, trứng, sữa và các chế phẩm từ sữa… Đồng thời bác sĩ cũng tăng cường bổ sung thuốc canxi cho mình uống.

Về ăn uống thì mình chọn chất lượng hơn số lượng: mình ăn uống cũng tương đối bình thường (thịt, cá, trứng, sữa) và hạn chế đồ ăn vặt cũng như đồ ăn ngọt. Mình ăn 3 bữa chính trong ngày với cơm/bún/phở, rau củ và chất đạm như lúc mình chưa bầu, không ăn cố, thêm 2 bữa phụ là trái cây hoặc sữa bầu là thấy ổn.

Kết quả là cân nặng của mình và của bé cũng trong giới hạn bình thường (bác sĩ khám nói vậy).

3. Tam cá nguyệt thứ 3 (3 tháng cuối thai kỳ):

3 tháng cuối này em bé sẽ tăng cân rất nhanh nên sẽ nhanh đói (cả bé và mẹ – mình nghĩ vậy). Đối với mình thì tự nhiên mình cứ cồn cào đói bụng hoài nên số lượng ăn có tăng hơn nhiều (như mỗi bữa ăn nhiều cơm. thịt hơn, vì hay đói nên mình dặm thêm sữa, trái cây rất thường xuyên và ăn ban đêm luôn ạ chứ đói quá ngủ được). Mình nuông chiều cơ thể và ăn khi có nhu cầu (ngày 7-8 bữa!).

Có điều lạ là buổi sáng tự nhiên mình thèm phở bò nên hầu như sáng nào mình cũng 1 tô phở bò tái gân cả. Sinh xong là mình ngán phở luôn!

Tóm lại, cả 3 tam cá nguyệt thì chế độ ăn của mình cũng đơn giản: lựa chọn nhóm chất tinh bột, trái cây/rau củ, đạm sao cho cân bằng. Ưu tiên uống sinh tố, uống sữa và trái cây, hạn chế đồ ngọt và ăn vặt và hạn chế đồ chiên xào nữa do bao tử mình lúc mang thai hơi khó tiêu (mình chủ yếu là ăn canh và đồ luộc/hầm).

Có một điều cần lưu ý là bạn phải đi khám thai định kỳ để cập nhật cân nặng của mẹ và bé, đồng thời tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, với luôn duy trì trạng thái tinh thần vui vẻ, lạc quan thì em bé trong bụng sẽ phát triển tốt. Mọi chuyện không vui trong gia đình, công việc nếu có thì bạn hãy nhanh chóng cho qua và ưu tiên em bé trong bụng vì mình tin rằng mẹ vui vẻ thì con cũng cảm nhận được đó.

Trên đây là kinh nghiệm của mình về việc ăn gì để vào con mà không vào mẹ (hoặc có vào mẹ thì cũng vào chút chút thôi!). Lưu ý là cơ địa của các mẹ sẽ khác nhau nên việc tăng cân đôi lúc sẽ khó kiểm soát nhé! Chúc mẹ có một thai kỳ khỏe mạnh và sinh ra em bé thật đáng yêu!

Bạn có thể xem thêm bài viết khác ở đây: Lịch trình ngủ cho bé sơ sinh đến 12 tháng tuổi giúp bé ngủ ngon

Xem thêm sách: Dinh dưỡng thai kỳ