chi tiêu tối giản

Đây là lý do bạn cần tìm đến chi tiêu tối giản!

Bạn có đang sống trong 1 thành phố lớn, đất chật người đông, cảm giác hơi ngột ngạt với đồ đạc xung quanh mình?

Bạn có thấy thu nhập hàng tháng của mình nếu đem chi mua sắm cho mỗi tháng theo mức sống hiện tại của thành phố thì bạn hầu như chẳng còn dư bao nhiêu (nếu không muốn nói là thiếu thốn)?

Bạn đang có con nhỏ, và hằng ngày việc dọn dẹp nhà cửa thôi là đã tốn rất nhiều thời gian rồi, bạn hầu như chẳng còn thời gian cho bản thân?

Bạn mong muốn mình sẽ: tốn ít thời gian dọn dẹp, tốn ít thời gian mua sắm, tốn ít tiền, không gian sống được cải thiện hơn?

Nếu đúng như vậy, bạn hãy thử thực hành chi tiêu tối giản. Nghĩa là chi tiêu theo lối sống tối giản. Có thể nó sẽ hữu ích với bạn….

Chi tiêu tối giản là gì?

Sống tối giản (Minimalism) là một phong cách sống bắt nguồn từ Nhật Bản. Lối sống tối giản là cách sống cắt giảm vật dụng xuống còn mức tối thiểu. Và cùng với cuộc sống ít đồ đạc, ta có thể để tâm nhiều hơn tới hạnh phúc.

Lối sinh hoạt này tạo ra một không gian sống giản lược, gọn gàng. Cuộc sống cũng sẽ trở nên đơn giản hơn. Người theo lối sống này sẽ tối giản từ nơi ở, cách ăn uống đến chi tiêu, các mối quan hệ. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là họ sống một cách quá tằn tiện, tiết kiệm.

Từ lối sống tối giản đó, việc chi tiêu của bạn cũng theo xu hướng chi tiêu thật tối giản, chi tiêu có lựa chọn cho những gì thật sự cần thiết.

Để có thể thực hành chi tiêu tối giản, bạn cần nhận thức và thực hành như sau:

Thứ nhất, để chi tiêu tối giản bạn cần chi tiêu theo “nhu cầu” chứ không phải “mong muốn”: 

Bạn cần phân biệt được “nhu cầu”“mong muốn” của bản thân. Ngày nay, với sự dư thừa của hàng hóa, hầu như bạn lúc nào cũng có thể được tiếp cận với những vật dụng, đồ đạc, quần áo đẹp, tiện lợi ở mọi nơi.

Cùng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ quảng cáo, bạn dễ dàng móc hầu bao ra chi trả cho nhiều thứ theo “mong muốn” thay vì “nhu cầu” thực sự. Một mẫu áo theo xu hướng mới, 1 chiếc điện thoại chụp hình phong cách, một đồ nội thất xa xỉ, 1 cái túi xách hàng hiệu…. Và, bạn đều muốn có tất cả chúng….

Nhưng sau khi mua về, có thể bạn xài chúng 1 thời gian ngắn, xong bạn vất chúng đi chỗ khác, hoặc có khi cả năm trời (nếu không dọn dẹp lại), bạn cũng chẳng nhớ ra mình đã mua chúng. Tất cả những điều này là do bạn đang mua sắm theo mong muốn chứ không phải nhu cầu thực sự.

Nhu cầu chính là những thứ bạn thực sự cần đến chúng mà nếu không có chúng thì bạn khó có thể xoay xở được như: thực phẩm, quần áo đủ tốt, dụng cụ học tập, làm việc….

Trước khi bỏ tiền ra mua bất cứ món đồ gì, bạn hãy nhìn lại đó có phải là nhu cầu thực sự của bạn hay không? Bạn thử trì hoãn 1 tuần mua món đồ đó xem nó có ảnh hưởng gì đến bạn không?

Nếu không ảnh hưởng, hãy loại khỏi danh sách mua sắm của bạn.

Thứ hai, thử nhìn nhận lại lối sống của bạn:

Bạn có đang chi tiêu quá nhiều? Bạn có đang mong muốn có tiền tiết kiệm cho bản thân hay cho con cái đi học về sau?

Bạn có muốn thay đổi lối sống hiện tại để đạt được sự tự do về tài chính? Nếu muốn thì hãy thực hành giảm tốc độ mua sắm và chỉ chi tiêu cho những thứ cần thiết để sống tốt đẹp hơn cho tương lai. Bạn nên nhìn lại lối sống của mình từ trước đến nay để điều chỉnh cho phù hợp. Chúng ta không cần phải sống một cuộc sống của người khác.

Lấy 1 ví dụ: Bạn thử xem lại tủ đồ của mình, có phải bạn cảm thấy nó quá nhiều và bạn lại tốn kha khá thời gian vào mỗi sáng sớm để lựa chọn đồ cần mặc đi đến công sở?

Nếu như vậy, hãy thử giảm thiểu quần áo của mình chỉ còn lại khoảng 10 bộ (chọn mua những bộ tốt (hàng hiệu hay không tùy bạn – nhưng nó phải đủ tốt để tự tin khi mặc vào) và bạn ưng ý nhất, không phải hàng giảm giá mặc một hai lần) là có thể đủ thay đổi cho các ngày trong tuần. Vừa tiết kiệm thời gian, vừa tiết kiệm được tiền mua quần áo, đúng không?

Hoặc, bạn hãy bớt thời gian lướt facebook để xem đứa mình ghét sống có tốt không? Hay bạn hãy thử giảm bớt thời gian săn “sales” trên các app bán hàng…. Những điều này ảnh hướng tới năng suất làm việc, trải nghiệm của bạn đấy!

Thứ ba, bán hoặc cho bớt những thứ bạn thấy không còn cần thiết nữa:

Nhà cửa trống trải gọn gàng là mơ ước của bao người để có không gian sống thật thoải mái. Do đó, bạn không cần giữ những vật dụng đã lâu không dùng đến nữa. Hãy bán hoặc cho chúng cho những người cần. Để đừng biến nhà của mình thành kho chứa đồ. Hãy ưu tiên cho không gian sống của mình, vì bạn sẽ cảm thấy thoải mái khi ở trong không gian rộng chứ không phải không gian chật hẹp vì quá nhiều đồ thừa quanh mình.

Thứ tư, lập danh sách các thứ cần mua sắm để không chi tiêu quá đà “theo tâm trạng”:

Bạn có thể lập danh sách các thứ cần mua sắm trong điện thoại của bạn, để khi đi ra ngoài, bạn chỉ chọn mua đúng những thứ đó mà không “ngó nghiêng” sang những thứ không cần thiết, đặc biệt là bạn sẽ hay có khuynh hướng mua quá nhiều đồ khi tâm trạng không vui.

Hãy nhìn lại thường xuyên danh sách mua sắm của bạn xem bạn có thể loại bỏ ra thêm món nào nữa không nhé?

Thứ năm, hãy ưu tiên cho những trải nghiệm thú vị:

Bạn hãy nhìn lại mình xem những gì mình cần trải nghiệm để có cuộc sống “chất” hơn, ví dụ: đi du lịch, học vẽ, học bơi, học lái xe, đi du học, tổ chức buổi đi cắm trại cho gia đình và những đứa trẻ….Tập trung vào những việc của ý nghĩa, những trải nghiệm thú vị sẽ giúp cho bạn có cái nhìn đa chiều hơn trong cuộc sống, giúp cuộc sống đầy màu sắc và bớt nhàm chán.

Bạn sẽ sống nhẹ nhàng và thoải mái hơn nếu ưu tiên cho trải nghiệm so với việc ngày ngày kiếm tiền thật nhiều rồi lại mua quá nhiều đồ rồi chất đống trong nhà thành mớ lộn xộn đầy ngột ngạt.

Kết luận

Trên thực tế đã có rất nhiều người theo đuổi phong cách sống này và trở nên giàu hơn về cả tài chính lẫn trải nghiệm bản thân. Mong rằng những thông tin trên đây sẽ hữu ích cho bạn để cuộc sống bớt đi những áp lực, gia tăng sự thư thái, hạnh phúc trong tâm hồn.

Xem thêm bài viết khác: Nhìn vào khác biệt trong chi tiêu giữa tuổi 20+ và 30+: giá như tôi được biết sớm hơn…

hoặc các bài viết khác của tác giả đăng trên diễn đàn Webtretho.com