Có một sự thật rằng bé 2-3 tuổi thường có hành động khóc nhè, mè nheo, để được ba mẹ chú ý. Do độ tuổi này có khủng hoảng tuổi lên 2, rồi khủng hoảng tuổi lên 3. Thế nhưng, ba mẹ cũng rất mệt mỏi khi con của mình … không phải tuổi khỉ, nhưng bé quậy phá như khỉ!

Tại sao bé quậy phá, gây rối ở lứa tuổi mẫu giáo?

bé quậy phá

Bé quậy phá hay gây rối và kèm theo tính khí hung hăng, thích được chú ý và không biết thông cảm với người khác. Ngay cả trước khi bé biết nói, bé đã có thể truyền đạt cảm xúc của mình qua hành động, cử chỉ, nét mặt. Vì vậy nếu bé trở nên quậy phá, thường lý do là vì bé cần bộc lộ những cảm xúc như giận dữ, sợ hãi, lo âu hay bực dọc.

Trong bài viết trước “Mệt mỏi với trẻ 2 tuổi ăn vạ khóc nhè? Đây là 4 cách xử lý“, thì tâm lý của bé ở độ tuổi này là bé chưa thể kiểm soát hay kiềm nén cảm xúc của mình vì bé cũng chưa có nhiều từ vựng để diễn tả. Bé sẽ lôi bạn đến nơi bé muốn bạn đi tới, bé sẽ trèo lên ghế đòi bạn cho ăn thứ mà bé thích….Bé thể hiện mong muốn của mình vô cùng mãnh liệt….

Tức là, bé quậy phá do cần được bạn chú ý, bé cần đạt được điều bé đang mong muốn. Bé quậy phá hay gây rối là do tính khí, cách dạy con và mô trường mà bé được nuôi dưỡng.

Nhưng không phải cứ bé muốn gì là ba mẹ lại đáp ứng liền cho bé. Thế bé sẽ hư mất, và cơn quậy phá của bé sẽ càng tăng do bé nhận thấy hễ bé khóc lên là bé sẽ đạt được điều bé muốn. Chính sự khác biệt này làm cho xuất hiện sự căng thẳng giữa ba mẹ và bé. Đúng không ạ?

Nhưng mà vẫn phải thừa nhận bé ngoan, biết vâng lời thì ba mẹ đỡ vất vả hơn… Ba mẹ lúc nào cũng muốn bé ngoan ngoãn nghe lời, nhất là ở nơi công cộng.

Ứng xử thế nào khi bé quậy phá?

Khi bé quậy phá, để làm trẻ dịu lại, ba mẹ nên tập trung giải quyết về mặt cảm xúc của con hơn là chú ý vào hành vi quậy phá của bé.

Thường trong cơn quậy phá bé sẽ chẳng nghe lời bạn đâu. Do đó, ba mẹ có thể chờ cho đến khi cơn quậy phá của bé dịu lại. Lúc đó ba mẹ cứ bơ con mình miễn là con bạn đang ở trong phạm vi an toàn (khoảng chừng 10 phút sau).

Sau đó, bạn hãy ngồi xuống nói chuyện với con, tìm hiểu xem vì sao con lại giận dữ, thay vì hỏi vì sao con lại đánh ba/mẹ.

Trong khi sinh hoạt với con, ba mẹ có thể nhận thấy 1 số biểu hiện có thể làm cho bé giận dữ. Đơn giản như là bé không thể ghép các mảnh lego lại theo ý muốn, bé muốn bạn phải ngồi xem bé chơi, bé muốn có được con khủng long giống như của anh…

Sau khi cố gắng tìm hiểu nguồn cơn đằng sau mỗi lần bé gây rối, quậy phá thì  ba mẹ có thể ngăn chặn trước những hành vi không hay của con rồi. Khi con lớn hơn một chút, dần dần con sẽ bớt có những cơn nổi tam bành như vậy nữa. Đó là 1 phần trong hành trình lớn khôn của con: kiềm chế cảm xúc.

Ngoài ra, ba mẹ còn có thể thực hiện những việc sau để hạn chế bé quậy phá:

  • Bé nào mà chả thích chơi. Do đó, ba mẹ cố gắng giữ cho trẻ năng động, tham gia nhiều hoạt động ngoài trời: dẫn bé đi dạo, vui chơi cầu trượt trong công viên, dẫn bé đi sở thú để bé tận tay cho thú ăn, hay mua thức ăn cho cá rồi dẫn bé tới hồ cá koi gần nhà, bé sẽ rất thích.
  • Bé nào mà chả thích được khen. Ba mẹ hãy khen ngợi trẻ mỗi khi trẻ bình tĩnh, biết giúp đỡ cha mẹ, hay bé có thể tự chơi với các đồ chơi của mình trong im lặng.
  • Bé của bạn luôn có sở thích, bạn hãy cho trẻ một khoảng thời gian trong ngày để làm điều mình thích: ví dụ, cho bé đi bộ, bé thích vẽ, bé thích chơi đất nặn…
  • Ba mẹ dành thời gian để dạy trẻ phép lịch sự, nghĩ cho người khác để trẻ hiểu rõ hành động nào sẽ được tuyên dương, hành động nào là không được phép.
  • Ngày nay, việc bé tiếp xúc sớm với màn hình điện thoại, máy tính, tivi hay các thiết bị điện tử khá nhiều. Bé dễ bị cuốn hút vào các trò chơi hấp dẫn, tiết tấu nhanh không tốt cho mắt và não bộ. Ba mẹ cần quan sát và giới hạn thời gian này (dưới 1h/ ngày) vì trẻ có thể hung hăng hơn sau khi xem quá nhiều chương trình trước màn hình.
  • Ba mẹ quy định rõ những hành động không thể chấp nhận được, như đánh nhau, làm đau bạn bè, anh chị em hay cố ý làm hư hỏng đồ chơi, vật dụng trong nhà. Ba mẹ có thể phạt trẻ nếu trẻ vi phạm (như không cho con chơi thứ con yêu thích trong vòng 1 tuần)
  • Ngoài ra, bạn cũng cần tránh tranh cãi với bạn đời về cách dạy con trước mặt bé.

Trẻ nhỏ luôn luôn hiếu động vì chúng luôn tò mò với mọi thứ xung quanh, đôi khi cũng gây ra những đổ vỡ đồ vật không mong muốn.

Tuy nhiên, ba mẹ cũng cần ý thức được rằng khả năng tìm tòi, khám phá… được nhìn nhận là rất có lợi cho sự phát triển trí tuệ của bé. Nhờ có khả năng tìm tòi, khám phá mà nhân loại mới đạt được nhiều thành tựu mới.

Trẻ có tính hiếu động còn được các chuyên gia nhận định là thông minh và tính hiếu động là khả năng tuyệt vời của trẻ. Ngược lại, trẻ có tính hiếu động mà bị cha mẹ cho là xấu và cấm đoán, ngăn cản bằng nhiều hình thức như đe dọa, đánh, nhốt… để đừng “quậy” nữa sẽ ảnh hưởng xấu đến tâm lý của trẻ và vô tình cản trở sự phát triển tốt của trẻ”. Do đó, bạn có thể cho trẻ hiếu động, quậy phá trong khuôn khổ được phép miễn là bé không gây hại cho người xung quanh, không tự làm đau mình.

Tuy nhiên, nếu ba mẹ nhận thấy có gì bất thường ở trẻ (trẻ mất khả năng tập trung, hay bồn chồn đứng ngồi không yên, trí nhớ kém, tỏ ra ương bướng, khó khăn về ngôn ngữ, rối loạn về ăn uống, giấc ngủ…), ba mẹ có thể cho trẻ đến tham vấn với bác sĩ tâm lý để có giải pháp can thiệp phù hợp hơn.

Chúc ba mẹ luôn hạnh phúc với con yêu của mình!