Trầm cảm sau sinh

Mình viết bài này để chia sẻ những cảm giác lạ lùng sau sinh con của mình mà có thể có mẹ đã từng mắc phải như mình. Cảm giác đó thoáng qua thôi nhưng giờ suy nghĩ lại có lẽ thời gian sau sinh mình đã trải qua chứng trầm cảm sau sinh dạng nhẹ.

Mình là dạng người sống khá lạc quan, hay nhìn mọi thứ theo hướng tích cực. Có lẽ 1 phần do mình đọc sách nhiều. Đối với mình, tự tử hay hại con là việc làm ngu ngốc nhất trên thế gian này.

Nhưng, thật kỳ lạ, sau khi sinh thì mình đã trải qua các suy nghĩ khá tệ mà mình cũng không thể ngờ tới có một ngày các suy nghĩ đó lại đến với mình: đôi lúc, khi đang ẵm con, đặc biệt là lúc con khóc ngoặt ngoẹo trên tay mình, mình lại nhìn thấy hình ảnh thoáng qua tâm trí mình: mình… thảy con qua cửa sổ!!

Đối với các bạn, suy nghĩ đó đúng là quá độc ác đúng không? Mẹ nào lại có suy nghĩ như vậy với chính đứa con mà mình đã trải qua bao cực khổ để sinh ra cơ chứ?

Nhưng… nó lại cứ diễn ra không phải 1 lần, mà lặp đi lặp lại trong đầu của mình – đặc biệt là khi con khóc quấy trên tay, không chịu rời mẹ. Mẹ mệt mỏi rã rời…. Rất may, cho đến hiện tại, sau khi đã sinh 3 đứa con kháu khỉnh, mình không hề thực hiện động tác đó. Và cũng chẳng ai bên cạnh mình biết những gì đã từng diễn ra trong đầu mình.

Theo mình, chẳng ai trong chúng ta có thể biết được là trầm cảm sẽ đến với người nào. Do đó, chúng ta cần đặc biệt chú ý tới phụ nữ sau sinh để có thể giúp họ càng nhiều càng tốt. Nếu bạn không giúp được họ thì đừng nói ra những lời khó nghe, không gây áp lực hay bình luận về họ hoặc con của họ.

Bởi vì, bản thân họ đã chịu rất nhiều áp lực rồi: đau đớn sau sinh, tự ti về thân thể, mệt mỏi thiếu ngủ, lo lắng về sữa mẹ có đủ cho con bú, lo lắng về tiếng khóc của con, sợ con đói, con bệnh….

Lời nhắn tới các ông chồng và người thân trong gia đình có bà mẹ mới sinh con: sau khi bé chào đời, ngoài việc chỉ chú ý đến bé thì hãy chú ý đến mẹ và đỡ đần các bà mẹ hết sức có thể, tạo điều kiện tốt nhất để các mẹ được nghỉ ngơi. Các ông chồng và người thân cần phụ ẵm con, ru con ngủ, phụ cho con bú, chăm sóc cho mẹ, hỏi han và động viên các mẹ, để các mẹ có thể chia sẻ nhiều hơn, không để các mẹ có cảm giác cô độc lạc lõng để xảy ra tình trạng trầm cảm sau sinh có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc….

Hãy chú ý khi thấy các mẹ có biểu hiện hay thờ ơ, cáu gắt vô cớ, không muốn giao tiếp, mất hứng thú với mọi việc kể cả với chính đứa con của mình. Nếu gia đình nhận thấy mẹ có biểu hiện nặng thì cần đưa mẹ tới bác sĩ tâm lý để giải tỏa ngay, chú ý quan sát mẹ hơn.

Vậy mình đã vượt qua được trầm cảm sau sinh như thế nào?

Thứ nhất, mình cố gắng đổi hướng suy nghĩ sang một chủ đề khác. Mình thử hình dung ra viễn cảnh khi con cái lớn hơn thì chắc chắn tình trạng sẽ tốt hơn hiện tại. Chỉ cần ráng một chút thôi…Hoặc ngay lập tức, mình tìm kiếm 1 vấn đề cần giải quyết trong công việc để suy nghĩ cho các giải pháp, liệt kê một cách ngẫu nhiên (cho dù là nhảm nhí cũng được) phương án 1, 2, 3….Hoặc mình bật Youtube lên nghe bất cứ chủ đề gì mà mình yêu thích.

Thứ hai, mình nhìn xung quanh mình, tưởng tượng viễn cảnh sẽ ra sao nếu các đứa con lớn/chồng/những người thân yêu mất đi người thân…. Lúc đó chắc chắn sẽ càng bi đát hơn nữa nên mình nhanh chóng thoát ra khỏi suy nghĩ vẫn vơ vớ vẩn….

Thứ ba, cố gắng giao tiếp nhiều hơn: Mình cố gắng trò chuyện với các đứa con lớn, rủ rê chúng nó chơi với đứa nhỏ, giúp đỡ các việc lặt vặt… Cái này có tác dụng cực tốt, tự nhiên cảm giác sẽ vui vẻ hơn nhiều vì mấy đứa trẻ con suy nghĩ rất dễ thương.

Cuộc sống hiện đại có quá nhiều áp lực. Áp lực đó càng tăng thêm và đè nặng lên cho các mẹ vừa mới sinh con. Việc đồng hành cùng những người phụ nữ của chúng ta vượt qua giai đoạn sau sinh là cực kỳ quan trọng để không xảy ra hiện tượng trầm cảm sau sinh. Vì trầm cảm sau sinh không chừa một ai cả, chỉ có từng trải qua mới hiểu được mà thôi.