no-buy

Là một người mẹ của ba đứa trẻ, tôi luôn bận rộn với công việc, gia đình và vô số thứ phải lo toan. Nhưng tôi không ngờ rằng, trong vòng 2 năm qua (và còn đang tiếp tục duy trì), tôi lại có thể sống sót và hạnh phúc khi thực hiện một thử thách cực kỳ thú vị: No-Buy – hạn chế tối đa việc mua sắm.

Chắc hẳn ai cũng hiểu, trong thời đại ngày nay, việc mua sắm gần như trở thành một thói quen, thậm chí là nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống. Tuy nhiên, khi tôi quyết định thực hiện “No-Buy”, mục tiêu của tôi không phải là cắt bỏ mọi thứ mà là giảm thiểu những món đồ không cần thiết, hướng đến một cuộc sống tối giản, tiết kiệm và bền vững. Hãy để tôi chia sẻ một vài kinh nghiệm thực tế của mình trong hành trình này.

mẹ bỉm

1. No-buy – Không Mua Mới Mà chỉ Mua Thay Thế

Một trong những nguyên tắc quan trọng nhất trong hành trình No-Buy của tôi là không mua mới đồ dùng mà chỉ mua đồ thay thế món đã cũ và hư. Thay vì chạy theo những xu hướng mua sắm hay những món đồ “tưởng chừng như cần”, tôi học cách chọn mua đồ chất lượng, bền lâu và chỉ thay thế khi thật sự cần.

Chiếc áo khoác của tôi đã dùng gần 5 năm nay, mặc dù đôi khi tôi muốn mua một chiếc mới để thay đổi phong cách, nhưng tôi vẫn quyết định giữ lại chiếc áo cũ vì nó chưa hao mòn hay rách gì cả. Tôi cũng mua những món đồ gia dụng chất lượng cao, chẳng hạn như máy xay thịt Phillip bền bỉ dùng mấy năm vẫn trọn vẹn chức năng.

Theo nguyên tắc quan trọng này, tôi đã vượt qua 2 năm “no-buy” khá dễ dàng!

2. Lối Sống Tối Giản – Bỏ Qua Những Món Đồ Không Cần Thiết

Tối giản không chỉ là một phong cách sống mà còn là một nguyên tắc giúp tôi thực hiện No-Buy dễ dàng hơn. Việc giảm thiểu những món đồ không cần thiết giúp ngôi nhà của tôi luôn thoáng đãng và dễ dàng vệ sinh hơn.

Trước khi tôi thực hiện thử thách no-buy này, nhà tôi đã chất đầy những đồ vật mà tôi không bao giờ dùng đến. Một ví dụ dễ thấy là những chiếc túi xách mà tôi chỉ sử dụng vài lần trong năm, hay những bộ quần áo “lỡ size” mà tôi giữ lại chỉ vì tiếc. Tuy nhiên, sau khi xác định rõ những món đồ nào thực sự cần thiết, tôi đã quyết định tặng lại hoặc bán đi những món đồ không dùng tới. Điều này không chỉ giúp giảm tải cho không gian sống, mà còn giúp tôi cảm thấy nhẹ nhàng và tự do hơn.

Những món đồ thực sự cần thiết trong nhà tôi bây giờ chỉ còn lại những thứ sử dụng thường xuyên. Nhà cửa tôi trở nên ngăn nắp và thoáng đãng hơn, không còn cảm giác bừa bộn khi bước vào. Nhưng hãy tin đi, đồ đạc nhà bạn nhiều hơn bạn đang nghĩ đấy! Chồng và con tôi hay là nguyên nhân của số đồ đạc tăng thêm. Thỉnh thoảng từ những món quà tặng các loại. Cứ định kỳ vài tháng tôi sẽ nhìn quanh nhà xem có vật dụng nào mình không cần nữa để gói gom lại cho đi bớt.

3. Cân Nhắc Kỹ Lưỡng Khi Mua Đồ Dùng 

Mỗi khi đứng trước quyết định mua một món đồ mới (để thay thế hoặc là thấy nhà đang thiếu), tôi luôn phải cân nhắc rất kỹ lưỡng. Tôi thường tự hỏi liệu món đồ này có thật sự cần thiết không, và nó có thể phục vụ cho mình lâu dài không. Đây là cách giúp tôi tránh được những cơn mua sắm bốc đồng.

Một điều quan trọng nữa là quá trình cân nhắc diễn ra khá lâu. Đây là cách tôi cố tình “trì hoãn” mua sắm. Tôi sẽ bỏ món đồ mình muốn mua vào giỏ hàng và để ở đó thêm một thời gian (thường là 5-6 ngày, đôi khi vài tuần). Nếu sau 1 tháng tôi vẫn thấy nó nằm trong giỏ hàng và tôi vẫn sống “bình yên” thì tôi sẽ quyết định bỏ nó ra khỏi giỏ hàng luôn. Thế là tôi đã thành công trong việc no-buy!

Hồi cuối năm ngoái, chồng tôi tôi đã gợi ý mua tặng tôi một chiếc điện thoại Iphone mới vì chiếc Samsung của tôi đã bắt đầu cũ do xài hơn 5 năm. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra lại và xem xét kỹ, tôi nhận ra rằng chiếc điện thoại hiện tại vẫn sử dụng tốt, dù không còn mới mẻ như trước. Do đó, tôi quyết định duy trì nó thêm một thời gian nữa – đến khi nó thực sự hư, thay vì thay thế ngay lập tức.

Quá trình này diễn ra tương tự cho các món đồ tôi đã no-buy trong thời gian qua: Máy tính bảng, tủ đựng đồ, giỏ đựng đồ, ghế, bàn, lọ hoa, nồi chảo, nồi chiên không dầu, thau rổ, máy hút bụi lau nhà cầm tay, máy hút bụi giường chiếu…Bạn biết rằng tôi đã tiết kiệm được kha khá rồi đấy!

4. Đổi Mới Từ Các Đồ Cũ – Tận Dụng Những Món Đồ Sẵn Có

Một phần quan trọng trong lối sống No-Buy của tôi là biết cách tái sử dụng, sáng tạo và tận dụng tối đa những món đồ đã có. Khi thấy cần đổi mới không gian sống, tôi không vội đi mua đồ mới mà thay vào đó, tôi tái sử dụng các món đồ cũ theo cách sáng tạo.

Ví dụ, tôi thử thỏa sức sáng tạo bằng cách sử dụng những đồ vật cũ như lọ thủy tinh từ hộp đựng thực phẩm đã mua để làm lọ cắm hoa hướng dương. Dùng các hộp nhựa trong suốt có sẵn để đựng bút chì màu của con. Hoặc bày trí lại kệ sách đang dùng để thành kệ chứa các món đồ dùng khác…

5. Không Mua Sắm “Chỉ Vì Nó Sale”

Điều này là một thách thức lớn trong thời đại mua sắm online hiện nay. Những chương trình giảm giá hấp dẫn thường khiến tôi phải suy nghĩ lại về quyết định của mình. (Rất rất hấp dẫn đấy nhé!). Tuy nhiên, tôi học được rằng, chỉ vì một món đồ có giá rẻ không có nghĩa là tôi thật sự cần nó.

Cách tốt để thực hiện việc này là trong điện thoại của tôi luôn có 1 danh sách những món đồ cần thiết tôi định mua (ví dụ các gia vị nêm nếm gần hết, bột giặt, nước rửa chén….). Do đó, khi nhìn thấy quảng cáo giảm giá hấp dẫn nhưng nếu chúng không nằm trong danh sách của tôi thì tôi sẽ không mất nhiều thời gian để nhìn nó. Nhờ đó, mà tôi đã rất kiên quyết (có phần hơi bảo thủ!) trong việc xuống tiền mua những món đồ đang sale mời gọi.

Đôi khi, chỉ cần bỏ qua cảm giác muốn sở hữu một món đồ đẹp mắt, tôi cảm thấy mình đã tiết kiệm được rất nhiều tiền.

Kết luận

Hành trình No-Buy nghe qua có vẻ không hề dễ dàng, nhưng qua hai năm thực hiện, tôi nhận thấy rằng nó đã thay đổi rất nhiều trong cách tôi tiêu tiền và sống cuộc sống này. Tôi học cách đánh giá cao những gì mình đang có và thực sự chỉ mua những món đồ cần thiết. Tôi quan tâm hơn tới những trải nghiệm hoặc cuộc sống bình yên chơi đùa với con cái. Không gian sống của tôi trở nên thoáng đãng hơn, gia đình tôi cũng bớt lo toan về tiền bạc, và quan trọng nhất, tôi cảm thấy bình an, không còn bị cuốn theo vòng xoáy tiêu dùng.

Vì vậy, nếu bạn đang cân nhắc thử thách No-Buy, tôi rất khuyến khích bạn bắt đầu ngay. Hãy thử sống một cuộc sống tối giản, đơn giản và tiết kiệm, bạn sẽ thấy mình hạnh phúc hơn rất nhiều.

Xem thêm bài viết: 7 thói quen giúp tôi tránh mua sắm vô độ