
Bạn có bao giờ cảm thấy như một chú sóc chạy vòng quanh bánh xe? Ngày qua ngày, chúng ta chạy đua với thời gian, với công việc, với những mục tiêu tưởng chừng như vô tận. Muốn có nhiều tiền, ta phải hy sinh thời gian. Muốn có thời gian, ta lại loay hoay với vấn đề tài chính. Cứ như một vòng luẩn quẩn, càng chạy càng mệt, càng stress.
Đó chính là bức tranh chân thực về cuộc sống hiện đại, nơi mà chúng ta luôn bị cuốn vào vòng xoáy của những áp lực vô hình. Thay vì cố gắng tránh né, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu những cách khoa học để giảm stress hiệu quả và tận hưởng cuộc sống một cách trọn vẹn hơn.
Nội dung bài viết
Tại sao stress lại khó tránh khỏi?
Tưởng tượng bạn đang là một người làm văn phòng. Mỗi sáng thức dậy, bạn đã phải đối mặt với một loạt công việc cần hoàn thành trong ngày: báo cáo, cuộc họp, email… Áp lực deadline luôn đè nặng lên vai. Các công ty đặc biệt trong thời điểm khó khăn còn cắt giảm lao động, khiến bạn phải gồng gánh trách nhiệm cao hơn. Đồng thời, bạn còn phải cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân: chăm sóc gia đình, giao tiếp xã hội, mục tiêu về tài chính…
Tại sao bạn lại cảm thấy căng thẳng trong tình huống này?
- Phản ứng sinh tồn: Khi đối mặt với khối lượng công việc lớn và thời gian eo hẹp, cơ thể bạn tự động kích hoạt phản ứng “chiến đấu hoặc bỏ chạy”. Điều này khiến nhịp tim tăng nhanh, huyết áp tăng cao, cơ thể sẵn sàng đối phó với tình huống nguy hiểm. Tuy nhiên, trong trường hợp này, không có mối đe dọa thực sự, chỉ là áp lực công việc.
- Hệ thống thần kinh quá tải: Hệ thần kinh tự chủ của bạn phải làm việc quá sức để điều chỉnh các chức năng cơ thể. Điều này dẫn đến mệt mỏi, căng thẳng, khó tập trung.
- So sánh với người khác: Bạn thấy đồng nghiệp được thăng chức, bạn bè có cuộc sống ổn định, trong khi bản thân bạn vẫn đang loay hoay với công việc. Sự so sánh này khiến bạn cảm thấy tự ti và lo lắng.
- Mục tiêu không rõ ràng: Bạn chưa xác định được mục tiêu rõ ràng trong công việc, điều này khiến bạn luôn cảm thấy bấp bênh và không biết mình đang đi đến đâu. Thỉnh thoảng, bạn tự hỏi mình cuối cùng mình sống trên đời này là có ý nghĩa gì?
Hiện nay, chúng ta dễ bị stress và stress hầu như là khó tránh khỏi vì:
- Nhịp sống hiện đại: Áp lực công việc, cuộc sống xã hội, thông tin quá tải… khiến chúng ta luôn trong trạng thái căng thẳng.
- Tính cách: Những người có tính cách nhạy cảm, dễ lo lắng thường dễ bị stress hơn.
- Cách suy nghĩ: Những suy nghĩ tiêu cực, lo lắng quá mức về tương lai cũng là nguyên nhân gây stress. Ví dụ, hai người cùng đối mặt với một bài kiểm tra, nhưng người này cảm thấy lo lắng, trong khi người kia lại tự tin.
- Sức khỏe: Bệnh tật, thiếu ngủ có thể làm tăng cảm giác căng thẳng.
Như giải thích ở trên, stress là một phần hầu như không thể tránh khỏi trong cuộc sống hiện đại. Nó là kết quả của sự tương tác giữa các yếu tố sinh học, tâm lý và xã hội. Vì vậy, thay vì né tránh, chúng ta cần phải rèn luyện để đối mặt với stress.
3 nhóm giải pháp khoa học để giảm stress hiệu quả
Chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát và giảm thiểu căng thẳng bằng những phương pháp khoa học. Sau khi nghiên cứu, mình tổng hợp dưới đây là 3 nhóm giải pháp chính đã được chứng minh hiệu quả:
1. Kỹ thuật chánh niệm và thư giãn
- Thiền: Thiền giúp tập trung vào hơi thở và khoảnh khắc hiện tại, từ đó giảm bớt sự phân tán tư tưởng và lo lắng. Bạn có thể bắt đầu với những bài thiền đơn giản chỉ 5-10 phút mỗi ngày.
- Hít thở sâu: Hít thở sâu là một cách nhanh chóng và hiệu quả để giảm căng thẳng. Khi hít vào, bụng phình ra, khi thở ra, bụng xẹp xuống. Lặp lại động tác này nhiều lần sẽ giúp cơ thể thư giãn và giảm nhịp tim.
- Giải phóng cơ bắp: Căng và thả lỏng từng nhóm cơ trong cơ thể sẽ giúp giải tỏa căng thẳng tích tụ. Bạn có thể tự thực hiện các bài tập này hoặc tìm đến các lớp yoga, pilates. Hai môn thể thao Yoga và Thái cực quyền kết hợp các động tác nhẹ nhàng, kéo giãn và hít thở sâu, giúp cơ thể thư giãn và cân bằng năng lượng.
- Dành thời gian ở trong thiên nhiên: Việc tiếp xúc với thiên nhiên, cây xanh, ánh nắng mặt trời có tác dụng làm giảm hormone stress cortisol và tăng cường hormone hạnh phúc endorphin. Bạn có thể đi bộ trong công viên, trồng cây hoặc đơn giản chỉ cần ngắm nhìn cảnh vật xung quanh. Ngay cả việc xem những video về thiên nhiên cũng mang lại hiệu quả thư giãn đáng kể.
(Video giảm stress: Calm music – Relaxing – For mom and kids)
2. Kỹ thuật điều chỉnh lối sống
- Vận động: Tập thể dục thường xuyên giúp giải phóng endorphin, giảm căng thẳng và cải thiện giấc ngủ. Bạn có thể chọn các hình thức vận động phù hợp như chạy bộ, bơi lội, đạp xe…
- Ăn uống lành mạnh: Một chế độ ăn uống cân bằng, giàu trái cây, rau xanh và các loại hạt sẽ cung cấp năng lượng cần thiết cho cơ thể và giúp bạn cảm thấy tốt hơn.
- Ngủ đủ giấc: Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi năng lượng và giảm stress. Hãy cố gắng ngủ đủ 7-8 tiếng mỗi đêm.
- Tìm kiếm cơ hội để làm việc gì đó cho bản thân: Dành thời gian cho những sở thích, hoạt động mà bạn yêu thích sẽ giúp bạn thư giãn và tìm lại niềm vui trong cuộc sống.
- Kết nối xã hội: Chia sẻ cảm xúc với bạn bè, người thân sẽ giúp bạn cảm thấy được hỗ trợ và giảm bớt cảm giác cô đơn.
3. Kỹ thuật hành vi
- Kỹ năng giải quyết vấn đề: Xác định rõ vấn đề, tìm ra các giải pháp khả thi và lựa chọn giải pháp tốt nhất sẽ giúp bạn chủ động đối phó với tình huống khó khăn. Việc quản lý thời gian là rất quan trọng: Lập kế hoạch, ưu tiên công việc và học cách nói không là những kỹ năng quan trọng giúp bạn kiểm soát thời gian hiệu quả và giảm bớt áp lực.
Một số ví dụ thông dụng của kỹ thuật này đó là: Chọn lọc bỏ bớt một vài trách nhiệm, định hình lại các tiêu chuẩn của bạn và đặt ra những kỳ vọng hợp lý hơn cho bản thân bạn.
- Tái cấu trúc nhận thức: Thay đổi cách suy nghĩ tiêu cực thành tích cực sẽ giúp bạn nhìn nhận vấn đề một cách lạc quan hơn.
Ví dụ: Khi bạn gặp căng thẳng trong việc nuôi con nhỏ mà không có thời gian cho bản thân. Bạn có thể chuyển hướng qua suy nghĩ lạc quan hơn rằng bạn chỉ có vài ba năm đầu gắn bó mật thiết với con như thế này thôi và đừng bỏ lỡ giai đoạn vàng này. Bạn sẽ nhanh chóng vượt qua.
- Kỹ năng đối đầu: Tập luyện kỹ năng đối đầu trong một môi trường an toàn sẽ giúp bạn tự tin hơn khi phải đối mặt với những tình huống gây stress trong cuộc sống. Thay vì né tránh hoặc trốn tránh, bạn chủ động tìm cách giải quyết vấn đề, bảo vệ quyền lợi của bản thân và xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp hơn. Thậm chí, bạn còn có thể tìm kiếm sự trợ giúp từ người khác (bác sĩ tâm lý, chuyên gia…)
Môi trường an toàn để luyện tập kỹ năng đối đầu:
- Nhóm hỗ trợ: Tham gia các nhóm hỗ trợ hoặc các khóa học về kỹ năng sống để thực hành kỹ năng đối đầu trong một môi trường an toàn và được hỗ trợ.
- Tự nói chuyện với bản thân: Đứng trước gương và thực hành những cuộc đối thoại khó khăn.
- Tìm kiếm sự giúp đỡ từ bạn bè, người thân: Chia sẻ cảm xúc và nhờ họ đóng vai trò là người lắng nghe và đưa ra lời khuyên.
Ví dụ Tình huống: Bạn bị từ chối trong một cuộc phỏng vấn xin việc. Bạn có thể rèn luyện sự kỹ năng đối đầu bằng cách chấp nhận rằng không phải lúc nào chúng ta cũng thành công. Sau đó, bạn hãy hỏi nhà tuyển dụng về lý do tại sao bạn không được chọn để rút ra bài học cho bản thân. Hoặc bạn có thể trao đổi thêm với ai đó mà bạn biết làm về nhân sự để có cái nhìn hoàn thiện hơn và cho bạn lời khuyên hữu ích. Cuối cùng, bạn hãy tiếp tục nỗ lực và tìm kiếm những cơ hội mới.
Tóm lại, stress là một phần không thể tránh khỏi trong cuộc sống. Tuy nhiên, chúng ta có thể học cách quản lý stress để sống một cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc hơn. Giảm stress hiệu quả không phải là điều dễ dàng, nhưng hoàn toàn có thể thực hiện được nếu bạn kiên trì và áp dụng những phương pháp khoa học nêu trên.
Chúc bạn an yên!
Đọc thêm: SỰ “CẦN VÀ MUỐN” VÀ ĐÂU LÀ “ĐIỂM ĐỦ”?