cần và muốn

Cần và muốn là hai khái niệm khá đơn giản nhưng chỉ có trải nghiệm bạn mới có thể hiểu được sâu sắc hơn.

Nhớ lại giai đoạn thời sinh viên khó khăn phải vay tiền theo chương trình hỗ trợ học phí cho sinh viên, mình đã tưởng tượng ra một cuộc sống mơ ước của bản thân đơn giản chỉ là: Tìm được việc làm tốt để chi trả khoản vay, đủ trang trải chi phí hàng tháng và lý tưởng là có dư một ít để gửi về cho ba mẹ ở quê. Đối với mình lúc đó, như vậy đã đủ rồi.

cần và muốn

Trong quá trình học đại học, mình đã được 1 công ty đặt chỗ có việc làm ngay sau khi ra trường và một ngân hàng cũng nhận mình làm nhân viên chính thức sau đợt thực tập. Mình đã chọn công ty vì cảm thấy phù hợp hơn với môi trường này. Thế là ước muốn có việc làm để trang trải hàng tháng đã thành hiện thực. Mình cũng dần trả được khoản vay thời sinh viên và có thể gọi là đủ sống.

Cuộc sống công sở ngày ngày đi làm có vẻ yên bình với một cô gái từ quê lên thành phố. Dần dần, mình có những mong muốn lớn hơn thế nữa. Mình đổi qua công ty khác với mức lương cao hơn và vị trí cao hơn. Mình tiếp tục lao vào cuộc sống bon chen và chăm chỉ làm việc để có thể mua sắm nhiều hơn những gì mình muốn. Cuộc sống cứ cuốn mình đi như một bụi cỏ khô lăn trên cát…

cỏ khô lăn trên cát

Thế nhưng rồi, mình chợt nhận ra hình như là mình đã muốn nhiều quá. Nếu cứ như vậy thì mình sống có ý nghĩa gì nữa? Mình lại phải nghiệm lại một lần nữa ở thời điểm hiện tại mình thực sự cần gì? Nếu như nghĩ về điều mình cần ở thời sinh viên thì mình đã đạt được từ lâu rồi mà.

Ranh giới giữa cần và muốn rất mong manh:

Ranh giới giữa cần và muốn chính là “Đủ”. Khi biết đủ rồi thì người ta sẽ dừng lại.

Tuy nhiên, ranh giới này mong manh lắm. Vì biết khi nào là đủ? 1 tỷ, 10 tỷ, hay trăm tỷ? Tôi cần một trăm tỷ để tôi có thể mua bất cứ thứ gì tôi muốn? Hay tôi cần 1 tỷ để tuổi già không phiền con cháu?

Và đó là lý do một số người không biết khi nào là đủ, và một số người biết rõ điểm đủ của mình. Đối với bạn, bạn chỉ cần 2 đôi giày là đáp ứng toàn bộ nhu cầu hàng ngày. Đối với người khác, phải có 5 đôi giày để đáp ứng các nhu cầu khác nhau từ đi bộ, chạy bộ, tập yoga, đi làm, đi dã ngoại.

Điểm đủ vì vậy mà cứ dịch chuyển liên tục giữa người này với người khác và từ thời điểm này đến thời điểm khác. Thế mới nói ranh giới giữa cần và muốn thật là mong manh.

Cách để nhận biết mình đã đạt đến ranh giới giữa cần và muốn hay cách để biết điểm đủ:

Nhìn một nhà sư tu hành theo kiểu khổ hạnh, ông đi chân trần và không có tài sản gì mà có thể đi rất xa. Bạn tự ngẫm lại nếu là mình đi du lịch từ Nam ra Bắc thì sẽ mất một số tiền không nhỏ vì có rất nhiều điểm dừng, nhu cầu ăn ngủ nghỉ và giải trí dọc đường đi… Thật ra thì bạn đã đủ đầy hơn nhà sư đó rất nhiều. Vậy làm thế nào để bạn nhận biết đâu là đủ?

nhà sư

Sự khác biệt chính giữa cần và muốn đó là: Khi ta cần thì ta đang nói đến những thứ thiết yếu mà ta sẽ gặp rắc rối khi thiếu nó. Còn khi ta muốn thì ta đang nói đến những thứ mình thích nhưng lại không thiết yếu, có thì tốt mà không có cũng không ảnh hưởng quá nhiều tới đời sống hằng ngày.

Ví dụ: Ta cần không khí để hít thở. Nhu cầu không khí sạch quanh ta là cần thiết. Ta cần một chốn ở và một việc làm để nuôi thân. Nhưng ta lại muốn một ngôi nhà rộng rãi có view đẹp (nhìn núi, nhìn biển, có hồ bơi…) để thư giãn hoặc một chiếc xe hàng hiệu cho oai.

Vì vậy, ta cần thường xuyên nhìn lại liệu những thứ muốn mua thêm hay chi thêm là do cần hay do muốn. Nếu việc suy ngẫm là thường xuyên thì ta sẽ dễ nhận ra hơn. Từ đó ta sẽ biết đủ.

Mình thấy có một mẹo nhỏ rất hay khi chọn mua thêm thứ gì đó là chọn rồi để vào giỏ hàng khoảng 1 tuần, thậm chí là 1 tháng để xem chúng ta có thực sự cần nó không trước khi mua. Thời gian sau, đôi khi bạn lãng quên luôn món hàng đã để ở giỏ. Mình đã như vậy rất nhiều lần.

Nhưng, mong muốn lại giúp bạn có động lực để phấn đấu, vậy vẫn nên mong muốn chứ?

Nhờ có mong muốn mà ta có thêm nhiều động lực để làm việc, kiếm tiền và tận hưởng những thứ đáng mơ ước. Chẳng phải tốt hơn sao nếu ta đủ tiền trải nghiệm một chuyến du lịch đến Maldives cho cả nhà, để tận hưởng nắng và gió, cát và biển cùng tiếng trẻ nhỏ vui đùa? Theo mình, mong muốn chẳng có vấn đề gì cả.

maldives

Điều quan trọng là ta cần nhận thức điểm đủ, và ta có thể phân biệt được là ta đang cần hay đang muốn.

Và nếu điều ta muốn vẫn giúp ta hạnh phúc thì ta vẫn cứ nên tiếp tục phấn đấu vì nó. Mưu cầu hạnh phúc vốn dĩ là điều tốt đẹp của con người.

Nhưng, nếu ta đi đến đoạn ta trở nên không còn hạnh phúc nữa nếu tiếp tục mong muốn, thì ta nên xem lại. Muốn quá nhiều có thể là nguồn gốc của khổ đau. Ví dụ, ta mong muốn được người khác công nhận và khổ đau khi nghe đánh giá của người khác về mình chưa thực sự như những gì mình mong đợi. Ta tiếp tục phấn đấu đến mòn mỏi để đạt được sự công nhận của người khác đến nỗi rơi vào trạng thái stress kéo dài. Nếu ta đang như vậy thì ta đang rơi vào vòng xoáy không hồi kết và nên suy ngẫm lại.

Hoặc đơn giản là ta muốn giàu có, và ta làm việc liên tục miệt mài đến khi không còn sức khỏe nữa hoặc trở nên mệt mỏi lờ đờ hoặc thậm chí còn vướng vào vòng lao lý thì ta cũng nên nhìn lại có phải mình đã vượt qua điểm đủ một đoạn quá xa rồi không?

Mến chúc bạn luôn hạnh phúc và an yên!

Xem thêm: Đây là 1 bí quyết tăng cường hệ miễn dịch: đi tìm lẽ sống