Nhìn vào khác biệt trong chi tiêu giữa tuổi 20+ và 30+: giá như tôi được biết sớm hơn…

Độ tuổi khác nhau ảnh hưởng đến thói quen chi tiêu mua sắm: Chi tiêu lúc bạn 20 tuổi thường khác hoàn toàn khi bạn đạt đến độ tuổi 30. Khi tuổi càng cao, thói quen chi tiêu của bạn sẽ dần thay đổi vì điều này tùy thuộc vào kinh nghiệm sống, mức thu nhập, và nhận thức tích lũy dần dần qua thời gian….

Ở tuổi 20 bạn thường chi tiêu như thế nào?

– Thứ nhất, lúc 20 tuổi, bạn sẽ muốn mua cả thế giới: 

Khi còn trẻ, mới ra trường, mặc dù thu nhập vẫn còn ít ỏi, nhưng mỗi khi đến siêu thị, tạt ngang qua các cửa hàng, bạn chắc chắn sẽ ngó nghiêng và thèm thuồng muốn mua thứ này thứ nọ nếu như ở nhà bạn chưa có vật dụng đó. Bạn lúc nào cũng có danh sách những vật dụng muốn mua và chờ được mua trong đầu của mình, và chúng sẽ phát sinh hoài phát sinh mãi dường như không có điểm dừng. Bạn sẽ đợi cho đến kỳ lương tiếp theo rồi nhanh chóng phi ra siêu thị/cửa hàng để ngay lập tức tậu đồ dùng về trong niềm vui sướng hân hoan tột độ.

Rồi khoảng 1 thời gian ngắn sau đó, bạn nhận ra các vật dụng đã mua trở nên lỗi thời, cần phải thay thế. Và bạn lại tiếp tục mua thêm các món mới. Qua thời gian, thỉnh thoảng trong lúc dọn dẹp nhà cửa, bạn bắt gặp món đồ đã mua mà bạn lại không dùng đến…

– Thứ hai, lúc 20 tuổi, đa số vật dụng bạn mua thường là hàng sales (giảm giá):

Mắt bạn dường như sẽ sáng rỡ lên mỗi khi món đồ mình ưa thích có đợt giảm giá, và bạn sẽ lao ngay vào mua cho bằng được món đó. Ngay cả khi ở nhà bạn vẫn còn khá nhiều món này chưa được sử dụng, nhưng vì sợ lỡ dịp sales nên bạn sẽ mua thêm nữa để dành dùng từ từ.

Sau đó, bạn phát hiện ra là các món đồ đó rất nhanh chóng hư hỏng, hết hạn. Bạn lại quăng vào 1 xó không động đến chúng nữa hoặc phải tiếc rẻ bỏ chúng đi….

– Thứ ba, lúc 20 tuổi, bạn còn có hẳn 1 bộ sưu tập cho thứ mình yêu thích: 

Bạn thích sưu tập cho đủ vài bộ truyện tranh tâm đắc, sắp xếp theo thứ tự trên kệ sách gần cửa sổ. Hoặc bạn sưu tầm thiệt nhiều các loại tem mới lạ, đồng tiền xu các loại cho riêng mình để nhìn ngắm. Cũng có thể đó là bộ sưu tầm các pokemon bằng nhựa đủ loại nhìn thật thích mắt, bạn sưu tập và cắt ra các bài báo hay mà bạn tâm đắc….

Cho đến khi, khoảng độ chục năm sau, vào lúc 30 tuổi hoặc hơn, bạn không còn thấy hứng thú với các vật dụng đã mua nữa mà chỉ thấy thật sảng khoái và bình an nếu nhà của mình không còn đồ đạc gì, để có thêm khoảng không cho con cái vui đùa….

Rồi bạn nhận ra đồ đạc vật dụng trong nhà của mình quá nhiều….

Vậy ở tuổi 30, bạn sẽ chi tiêu mua sắm như thế nào?

– Thứ nhất, ở độ tuổi 30, bạn sẽ chỉ mua thứ bạn THẬT SỰ CẦN, vì bạn chẳng muốn nhà mình thành một cái nhà kho chứa đồ.

Bạn trở nên cân nhắc có nên mua thêm 1 cái tủ để quần áo cho bọn trẻ? Có nên mua thêm 1 cái bàn ăn thiệt to? Hay bạn có nên mua thêm quần áo và túi xách cho mình….

Bạn suy nghĩ khá nhiều trước khi bỏ tiền ra mua chúng, và suy nghĩ xem nếu đặt chúng trong nhà thì bạn có thoải mái trong thời gian dài hay không hay chúng chỉ thỏa mãn niềm vui ngắn hạn mà thôi… Nếu câu trả lời là chưa chắc hoặc không thì bạn sẽ không bỏ tiền ra mua chúng cho dù chúng có đẹp hoặc sang trọng tới cỡ nào đi chăng nữa….

Bạn trở nên khao khát có được một căn phòng thật ít đồ đạc để đỡ phải dọn dẹp, và nhìn vào nó, bạn sẽ không thấy bất cứ vật dụng dư thừa nào để cho tâm hồn thư thái….

Thứ hai, bạn sẽ mua những gì có chất lượng thật tốt để dùng lâu dài:

Bạn sẽ chú trọng hơn vào chất lượng hơn số lượng vật dụng mình sở hữu.

Món đồ bạn sở hữu phải thật sự chất lượng (có thể dùng nhiều năm), giá cả không thành vấn đề nữa. Bạn không còn canh sales thường xuyên như trước mà dành thời gian cho những trải nghiệm trong cuộc sống (du lịch, đọc sách, thiền/đi bơi/yoga để nâng cao sức khỏe, vui chơi cùng con cái, nấu những bữa ăn bổ dưỡng cho gia đình…) thay vì đi shopping chỉ để giải tỏa tâm trạng hoặc cơn cuồng mua sắm như xưa.

Dần dần, do các vật dụng đã mua có thời gian sử dụng lâu nên việc đi mua sắm của bạn cũng không còn nhiều như xưa nữa mà việc đi ra ngoài mua trở nên thưa dần thưa dần…Bạn thậm chí không còn trực tiếp đi mua nữa mà chỉ đặt hàng online để shipper giao tới tận cửa.

Thứ ba, bạn dừng mua sắm thêm cho bộ sưu tập của mình:

Có vẻ bộ sưu tập của bạn trở nên đồ sộ sau nhiều năm tích lũy rồi. Do đó, niềm hứng thú trở nên giảm dần và bạn không còn sưu tập thêm nữa. Bạn thậm chí….chán bộ sưu tập của mình và đem cho tặng/bán bớt đi.

Tốc độ mua thêm chậm hơn tốc độ cho đi, cho đến khi bạn nhìn thấy nhà của mình không còn quá nhiều thứ không cần thiết, mà trở nên sạch sẽ gọn gàng, đúng công năng. Do không bỏ tiền ra mua sắm nên trong tài khoản của bạn lúc nào cũng đủ chi tiêu hoặc thậm chí dư ra để dành cho những thứ quan trọng hơn như: cho con cái học hành, trải nghiệm…

Trên đây là những khác biệt trong chi tiêu lúc trẻ (20+) và lúc đã trưởng thành hơn (30+) mà mình đã rút ra được. Mình ước rằng mình được biết sớm hơn…để khỏi phải loay hoay như đã từng….

Chúc bạn sớm đạt được tự do tài chính….