tập làm mẹ

Lần đầu làm mẹ: ngay cả việc bế đứa con mới sinh cũng phải tập vì bé nhỏ xíu, yếu ớt, mẹ sợ làm bé đau…

Mẹ phải tập cho bé tắm, cho bé ăn, dỗ bé ngủ…

tập làm mẹ

Lần thứ 3 làm mẹ rồi mà có những việc tưởng như đã quen rồi nhưng vẫn còn bất ngờ với tính cách, đặc điểm khác nhau của trẻ. Lại phải tập tành làm mẹ tiếp…Đó là cả một hành trình dài vì mỗi đứa trẻ rất khác nhau.

Trước khi làm mẹ mình đã đọc rất nhiều sách về chăm và nuôi con. Nhưng đúng là trên lý thuyết là như thế, đến khi thực hành lại có muôn kiểu khác nhau và lại phải mò mẫm, tham khảo thêm kinh nghiệm từ các mẹ khác để áp dụng đối với con của mình. Có vẻ như trường hợp con của mình không giống sách vở lắm.

Tập làm mẹ chỉ từ việc bú sữa của bé:

Bé đầu tiên của mình thì ăn ít mà chỉ uống sữa, uống cả sữa mẹ và sữa bình không vấn đề gì. Bé thứ hai thì sau khi tập cho uống sữa bình thì lại bỏ không thèm sữa mẹ nữa. Bé thứ ba thì chỉ thích sữa mẹ chứ nhất quyết không chịu sữa bình!

Nếu dựa theo kinh nghiệm bé thứ nhất thì không thể áp dụng các bé sau…

Tập làm mẹ từ việc ngủ của bé:

Bạn ắt hẳn sẽ khó tin là ngay cả việc ngủ của bé mà cũng phải tập? Bạn chỉ cần tắt đèn và chờ bé ngủ? Nếu như vậy thì đơn giản quá rồi…

Thực tế có một số bé đúng là rất dễ đi vào giấc ngủ khi tạo thói quen buổi tối. Những bé đó là những đứa trẻ thuộc tuýp thiên thần đáng yêu và dễ tính. Bé đầu và bé thứ 2 nhà mình đúng là rất dễ ngủ. Bé có chút phản kháng (do còn muốn chơi tiếp) khi ba mẹ tắt đèn đi ngủ nhưng chỉ khoảng 10-15 phút sau là bé đã ngủ rồi.

Nhưng bé thứ 3 lại đặc biệt rất khó ngủ và phản kháng rất dữ dội khi ba mẹ tắt đèn. Bỏ mặc im lặng cho bé muốn làm gì làm? Bé khóc hàng giờ và leo trèo bàn ghế. Lôi đồ đạc này đồ đạc khác ra ồn ào. Dụ dỗ hay dọa nạt, đánh mắng cỡ nào bé cũng không chịu thay đổi.  Và chỉ ngủ sau đó 2 tiếng. Lặp lại hằng ngày….cho đến khi mẹ tìm ra cách khác hiệu quả hơn.

Tập làm mẹ từ việc giao tiếp với bé:

Tiếng khóc của bé là một trong những ngôn ngữ mà những người mới làm mẹ hay bị bối rối nhất. Nhưng đó là cách giao tiếp của bé đối với mẹ do bé chưa biết nói mà chỉ biết thể hiện qua tiếng khóc mà thôi. Mẹ phải tập đoán xem vì sao bé lại khóc như vậy? Bé có đói, bé khát, bé muốn mẹ ẵm vì cảm thấy sợ, hay bé giật mình vì tiếng ồn nào đó…?

Trong giao tiếp với bé mẹ cũng phải tập làm quen với ngôn ngữ cơ thể bé: vì sao bé lại vặn vẹo người, hai tay bé nắm chặt không buông, hay bé giơ 2 tay về phía trước… Tất cả mẹ đều phải tập, tập để hiểu bé đang muốn gì…

Mỗi bé có cá tính khác nhau, thời gian biểu khác nhau, chả bé nào giống bé nào nên cứ mỗi lần làm mẹ là mẹ lại phải tập…

Rồi mẹ lại phải tiếp tục luyện tập khi bé đã có thể nói được vài từ, hoặc thành vài câu. Lúc này mẹ trò chuyện cùng bé để bé được học cách tiếp thu từ vựng mới. Và mẹ được học cách kiểm soát cảm xúc, lựa chọn từ ngữ đơn giản thích hợp với bé sao cho mẹ và con có thể hiểu nhau hơn.

Tập làm mẹ từ việc học của bé:

Bé lớn hơn một chút được đi học mẫu giáo, lên cấp 1. Mẹ tiếp tục tập làm mẹ qua việc nghiên cứu tâm sinh lý của trẻ với hàng loạt câu hỏi cần được giải đáp: Làm thế nào để trẻ có thể tự học, các mẹo giúp bé tập trung hơn, cân bằng dinh dưỡng cho trẻ ra sao, làm sao để trẻ phát triển các kỹ năng đúng theo lứa tuổi, giúp trẻ phát triển toàn diện….

Có hàng trăm vấn đề mà mẹ cần phải tự đi tìm cho mình câu trả lời phù hợp nhất với bé của mình. Mẹ phải học hỏi từ kinh nghiệm các mẹ đi trước, kinh nghiệm từ người xung quanh, và các bài chia sẻ trên mạng xã hội…

Việc học của bé cũng thường xuyên lên xuống như nhịp tim của ba mẹ vậy. Đôi khi ba mẹ tự hào vì bé đứng top 5, hoặc top 2 ở trường nhưng không lâu sau đó cô thông báo kết quả thi cuối khóa của bé lại kém nhất lớp!

Hoặc bé viết sai hoặc không thể nhớ được từ sau khi học (đặc biệt là ở lớp 1, lớp 2)… rồi ba mẹ lại phải thay đổi, sắp xếp công việc của mình, phải theo sát bé học hơn…

Từ ngày có bé, bé giúp mẹ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác! Đó là lý do lúc nào bạn cũng phải tập làm mẹ. Vì nhiều bỡ ngỡ, nhiều “cái lạ” xuất hiện mà không sách vở nào có thể đưa ra hết được.

Mẹ tập làm mẹ bằng cách áp dụng nhiều cách khác nhau, thử rồi lại thấy chưa phù hợp, rồi lại tìm cách mới…

Và đúng là một hành trình dài từ khi bé sinh ra cho đến khi lớn khôn. Mẹ lúc nào cũng phải tập làm mẹ. Bởi vì không ai làm mẹ hoàn hảo cả, mẹ chỉ muốn mẹ có thể làm mẹ tốt nhất trong khả năng của mẹ, để cho con được tốt nhất mà thôi! Mẹ lúc nào cũng phải ở trong tư thế tập làm mẹ với mọi điều xảy ra xung quanh con.

Vâng, ngay cả những người có kinh nghiệm nhất cũng phải tập làm mẹ. Với mục tiêu để con được giáo dục tốt nhất, vì chỉ một cái sai của mẹ thôi cũng có thể ảnh hưởng đến cả cuộc đời của một đứa trẻ.

Làm mẹ là công việc toàn thời gian bởi vì khi sinh con ra con bạn sẽ vĩnh viễn gọi bạn là “mẹ”. Bé sẽ gắn với bạn suốt đời.

Chúc bạn làm mẹ thành công!

Xem thêm bài viết: Mệt mỏi với trẻ 2 tuổi ăn vạ khóc nhè? Đây là 4 cách xử lý